• 0964 835 666
  • 687 Hoàng Quốc Việt, TX Phổ Yên
  • Thứ 2 - Chủ Nhật 9:00 - 21:00

Trà đen là loại trà hiện đang dần được nhiều người ưa chuộng. Do văn hoá riêng của nước ta nên đa phần lượng trà được tiêu thụ là trà xanh. Thế nhưng dần thì càng ngày càng có nhiều người uống trà đen hơn. Nếu bạn là người thích uống trà đen thì nên biết một điều. Trà đen cũng có rất nhiều lợi ích cho sức khoẻ.

1. Trà đen là gì?

Đầu tiên là bạn cần biết là tất cả các loại trà đều được làm từ lá của cây trà (Camellia sinensis). Cả trà đen, trà xanh hay trà Ô Long đều được làm từ lá của cây trà. Vậy tại sao chúng ta có những loại trà này với màu sắc và mùi vị khác nhau? Điểm khác biệt lớn nhất ở những loại trà này nằm ở quá trình lên men. Chẳng hạn như trà xanh không được lên men để loại trà này có hương vị và màu sắc giống với lá trà tươi.

Trà đen là loại trà được lên hoàn toàn hay 100%. Thế nên có thể thấy là loại trà này có hương vị và màu sắc không giống gì với lá trà tươi cả. Màu sắc và hương vị của trà đen xuất hiện nhờ vào quá trình chuyển quá các thành phần hoá học trong lá trà tươi ở quá trình lên men. Màu đen của lá trà, màu đỏ cam hay nâu của nước trà, và vị ngọt hay trái cây của trà đen đều đến từ quá trình ủ và lên men.

Có thể bạn đã nghe đến từ ‘hồng trà’ rồi. Về cơ bản thì hồng trà và trà đen đều là một loại trà. Người phương Tây gọi loại trà này là ‘trà đen’ là theo màu của cánh trà. Cánh trà có màu đen nên họ gọi luôn trà là trà đen. Còn từ hồng trà’ là gọi theo người Trung Quốc. Người Trung Quốc gọi ‘hồng trà’ (nghĩa là trà đỏ) theo màu đỏ của nước trà. Với lại họ cũng quan niệm là màu đỏ là màu may mắn. Đồng thời đỏ là màu đối nghịch với xanh lá (trà xanh) trong văn hoá của họ.

2. Lịch sử của trà đen

Trà đen hay hồng trà không phải là loại trà phổ biến hàng đầu ở Việt Nam. Theo một báo cáo khá lâu từ năm 2007 mà người viết được đọc thì 90% lượng tiêu thụ trà ở Việt Nam là trà xanh. Khoảng 10% còn lại được chia đều cho các loại trà ướp hương, trà ô long, trà đen, và một số loại trà khác. Khác với gu thưởng thức của người phương Tây thì người Á Đông chuộng trà xanh hơn. Mặc dù hồng trà ra đời ở quốc gia Châu Á là Trung Quốc, thế nhưng chính người phương Tây mới là những người tác động mạnh mẽ nhất cho sự phổ biến của loại trà này.

Trà đen hay hồng trà.

Con người đã bắt đầu uống trà từ hàng nghìn năm trước. Bằng chứng lâu đời nhất của việc con người uống trà là những gói trà được tìm thấy trong lăng mộ của Lưu Khải hay Hán Cảnh Đế (188-141 TCN), vị hoàng đến thứ 6 của nhà Hán. Việc này đồng nghĩa với việc con người đã uống trà từ trước khi lịch Công Nguyên bắt đầu. Đến khoảng thế kỷ thứ 8 thì Lục Vũ viết Trà Kinh, cuốn sách được xem là tư liệu ghi chép đầy đủ đầu tiên về trà và thưởng trà. Tuy nhiên trong ghi chép này thì Lục Vũ không hề nhắc gì đến trà đen. Lý do là trà đen chỉ mới ra đời khoảng 200 năm trở lại đây. Hồng trà có nghĩa là ‘trà đỏ’, thế nhưng người phương Tây lại gọi loại trà này là ‘black tea’, mà họ lại chính là người phổ biến loại trà này thế nên nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam thì từ ‘trà đen’ lại được gọi thường xuyên hơn.

Từ khoảng cuối thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19 thì trà là một mặt hàng nhập khẩu xa xỉ của nhiều quốc gia Châu Âu. Khi mà các quốc gia sản xuất trà lớn hiện nay như Ấn Độ, Kenya hay Việt Nam chưa trồng trà với quy mô lớn. Thì trà vào thời gian này được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Nhà nhập khẩu trà lớn nhất vào thời gian này có tên là Dutch East India Company. Theo những tài liệu nhập hàng còn sót lại của công ty này thì phần lớn trà xuất khẩu từ Trung Quốc là trà xanh, và một phần rất nhỏ một loại trà lên men cao mà họ gọi là Bohea. Bohea chính là tên của Vũ Di, vùng trà nổi tiếng của Phúc Kiến (Trung Quốc). Vũ Di chính là nơi được công nhận rộng rãi là nơi sinh ra của trà đen. Vũ Di được đọc là ‘Bú-î’ thế nên người phương Tây vào lúc này mới đọc trại tên vùng trà này là Bohea. Và Bohea chính là cái tên ban đầu của trà đen.

Trà Đen: 5 điều bạn nên biết về trà đen (hồng trà) 2
Vua Càn Long lần đầu gặp gỡ đoàn đại sứ của Anh.

Người Anh hiện nay nằm trong top những quốc gia tiêu thụ trà chia theo đầu người nhiều nhất thế giới. Và chính họ cũng góp công đáng kể cho quá trình phát triển của trà đen. Khi bắt đầu du nhập vào nước Anh ở cuối thế kỷ 17 thì phần lớn trà được nhập khẩu là trà xanh, và một phần rất nhỏ là trà đen. Thế nhưng dần dần thì người Anh lại ưa chuộng trà đen hơn trà xanh, khiến phần lớn trà nhập khẩu sau này là trà đen. Lý do là nước sinh hoạt ở thủ đô Luân Đôn của nước Anh là loại nước ‘cứng’ (nhiều thành phần canxi và magiê), mà trà đen lại có nhiều thành phần tannin hơn trà xanh, thế nên khi pha trà thì nước ‘cứng’ trung hòa các thành phần tannin, khiến cho trà đen mất đi vị chát mà chỉ còn vị ngọt trái cây khô đặc trưng của trà lên men cao.Xem thêm:  Trà Xanh Giảm Cân Nhờ Vào 4 Tác Dụng Sau

Thú vui uống trà ban đầu ở Anh chỉ dành cho giới quý tộc. Đặc biệt là khi công chúa Catherine của xứ Braganza cưới vua Charles đệ Nhị của nước Anh. Công chúa Catherine là con của vua Bồ Đào Nha, cuộc hôn nhân của bà chính là một cuộc hôn nhân mang tính chính trị giữa Anh và Bồ Đào Nha – hai cường quốc vào thời gian này. Do là vợ vua nên Catherine được xem là một hình mẫu của mọi phụ nữ quý tộc, thế nên việc bà có thói quen uống trà đã khiến việc uống trà trở thành xu hướng của giới quý tộc. Rồi trào lưu này lại lan truyền nhanh chóng đến những tầng lớp khác. Việc nhu cầu thưởng thức trà đen quá lớn của người dân quá lớn đã khiến nước Anh phải tăng cường nhập khẩu trà. Kể từ những năm 1730s thì vùng trà Vũ Di bắt đầu giảm việc sản xuất trà xanh, mà thay vào đó là làm trà đen để đáp ứng nhu cầu mới này. Nhiều loại trà đen cao cấp hơn được ra đời ở nơi đây. Như trà Bohea được xem là chất lượng bình thường, cao cấp hơn thì có Congou (đọc trại từ từ ‘kung fu’), Lapsang souchon (Lạp Sơn Tiểu Chủng), hay Pekoe.

Một điều thú vị là người yêu trà truyền tai nhau về sở thích uống trà Lạp Sơn Tiểu Chủng của thám tử lừng danh Sherlock Holmes trong bộ truyện cùng tên. Đúng là trong truyện có chi tiết cho biết ông là người thích uống trà đen, nhưng không rõ là loại trà nào. Sau này đài BBC làm lại phiên bản phim truyền hình hiện đại của vị thám tử này vào năm 2010 và đặt tên là Sherlock. Trong phim có nêu rõ tên loại trà yêu thích của Sherlock Holmes là Lạp Sơn Tiểu Chủng.

Trà Đen: 5 điều bạn nên biết về trà đen (hồng trà) 3
Tranh vẽ một buổi thưởng trà của gia đình quý tộc Anh.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Anh êm đẹp cho đến khi chiến tranh nha phiến nổ ra vào năm 1840. Nguyên do của cuộc chiến này là do người Anh muốn tự do buôn bán nha phiến từ Ấn Độ (lúc này vẫn là thuộc địa của Anh) sang Trung Quốc, nhưng triều đình Mãn Thanh lại có lệnh cấm. Do thua cuộc nên Trung Quốc phải ký nhiều hiệp ước bất bình đẳng, mở nhiều thương cảng cho nhiều quốc gia phương Tây tự do giao thương, và phải cắt Hồng Kông làm thuộc địa của Anh. Sau chiến tranh nha phiến thì trà đen lại càng được đẩy mạnh xuất khẩu vì người Anh có nhiều quyền lực hơn. Sau này họ không gọi trà đen là Bohea nữa, mà gọi bằng cái tên còn giữ đến ngày nay đó là ‘black tea’. Từ này dùng vào lúc này dùng để ám chỉ mọi loại trà lên men, từ lên men một phần cho đến toàn phần, chứ không chia ra như bây giờ. Và người Trung Quốc bắt đầu gọi loại trà này là ‘hồng trà’.

Trà Đen: 5 điều bạn nên biết về trà đen (hồng trà) 4
Chiến tranh nha phiến.

Khi từ ‘black tea’ dần phổ biến ở thế giới phương Tây, thì từ ‘hồng trà’ cũng dần phổ biến ở Trung Quốc. Sau cuộc chiến tranh nha phiến lần 1 thì triều đình Mãn Thanh phải ký nhiều hiệp ước bất lợi khác nhau. Một trong số đó là Hiệp Ước Hoàng Phố (theo tên một con sông ở Thượng Hải) với Pháp vào năm 1844. Hiệp ước này biến Thượng Hải thành một cảng thương mại quốc tế dưới sự quản lý của người Pháp. Những thương lái ở Thượng Hải bắt đầu gọi trà đen là ‘hồng trà’. Những tờ báo có tiếng ở địa phương cũng dùng từ ‘hồng trà’ trong các bài viết của họ, thế nên từ này bắt đầu được dùng chính thức cho loại trà lên men hoàn toàn. Nếu không tính những truyền thuyết không có độ chính xác cao, thì đến tận ngày nay thì vẫn không ai biết rõ từ ‘hồng trà’ đến từ đâu. Vì từ ‘black tea’ dịch ra là ‘trà đen’ chứ không phải là ‘trà đỏ’ như ‘hồng trà’. Theo giả thuyết phổ biến nhất thì đối với người Trung Quốc thì màu tương phản của màu xanh lá cây chính là màu đỏ, thế nên trà không lên men gọi là trà xanh hay ‘lục trà’ thì trà lên men hoàn toàn sẽ gọi trà ‘hồng trà’. Hoặc giả thuyết đơn giản hơn thì màu nước trà có màu đỏ nên gọi luôn là ‘hồng trà’. Đến năm 1860 thì từ ‘hồng trà’ mặc dù không hoàn toàn chính xác vể ngữ nghĩa, nhưng được chính thức gọi là từ dịch của từ ‘black tea’.Xem thêm:  5 khả năng chữa bệnh của trà Thái Nguyên

Trà Đen: 5 điều bạn nên biết về trà đen (hồng trà) 5
Bến thuyền ở Thượng Hải vào cuối thế kỷ 19.

Trà đen có thể nói là có phần nào có tác động đến một số biến động lớn của lịch sử. Như đối với chiến tranh nha phiến thì lý do chính là do người Anh không được phép buôn nha phiến. Nhưng một phần nữa là do triều đình Mãn Thanh hạn chế sự tự do giao thương nhiều mặt hàng của người Anh, trong đó có trà. Thế nên chiến tranh đành phải nổ ra. Rồi cũng chính người Anh áp nhiều luật và thuế xuất lên trà, việc áp bức này dẫn đến Cách mạng Mỹ (1775-1783). Để giải quyết nhu cầu trà quá cao của người dân nên người Anh đã phải mang cây trà giống từ Trung Quốc sang các quốc gia như Ấn Độ và Sri Lanka. Và đến ngày nay thì những quốc gia này cũng chính là những nước xuất khẩu trà đen lớn nhất thế giới với thương hiệu trà đen nổi tiếng khắp thế giới như Assam, Darjeeling hay Ceylon.

Trà Đen: 5 điều bạn nên biết về trà đen (hồng trà) 6
Những người phụ nữ hái trà ở Ceylon (Sri Lanka ngày nay).

Trà đen mặc dù không được làm ra tại Thượng Hải nhưng loại trà này được xem là một trong những biểu tượng truyền thống của thành phố hiện đại bậc nhất của Trung Quốc này. Vì chính từ nơi đây mà cái tên ‘hồng trà’ trở nên phổ biến. Và đến tận bây giờ thì hồng trà vẫn là thức uống phổ biến ở nơi đây, mặc dù hai tỉnh sát bên là Chiết Giang và Giang Tô lại cực chuộng trà xanh. Nếu bạn từng xem loạt phim Bến Thượng Hải thì 3 biểu tượng văn hoá nổi bật của Thượng Hải đều có trong phim này. Đó là Thạch Khố Môn (khu nhà cổ nổi tiếng ở Thượng Hải), sườn xám (kiểu áo dài Thượng Hải dành cho phụ nữ), và cuối cùng đó là ‘hồng trà’.

Trà đen cũng đã phải trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử. Sau chiến tranh thế giới thứ hai thì nước Anh bị tổn thất nặng nề. Mọi nguồn lực đều tập trung cho việc tái thiết đất nước nên thú vui thưởng trà bị xem nhẹ. Chưa kể đến việc văn hoá Mỹ với cà phê và thức ăn nhanh len lỏi đến mọi nơi mà quân Đồng Minh chiến thắng. Thế nhưng văn hoá uống vẫn âm ỉ và bùng phát mạnh mẽ trở lại vào những năm 1980s ở Anh. Thậm chí chính phủ Anh còn chi tiền để các ngôi sao điện ảnh cũng như người mẫu làm đại sứ thương hiệu cho trà. Và kiểu uống trà phong cách Anh Quốc cũng bắt đầu xuất hiện ở nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia Châu Á. Như Trung Quốc là nơi có nền văn hoá trà lâu đời và phong phú cũng bị ảnh hưởng bởi văn hoá trà Anh. Gần đây người viết cũng được đọc về một dạng ‘Tây hoá’ trong văn hoá uống trà của người Trung Quốc, nhất là ở phụ nữ thượng lưu. Kiểu trà chiều Anh Quốc như là một trào lưu mới mẻ của giới phụ nữ thượng lưu ở Trung Quốc. Dạng thưởng trà này cũng xuất hiện ở Việt Nam và cũng khá được ưa chuộng.

Trà Đen: 5 điều bạn nên biết về trà đen (hồng trà) 7
Người phụ nữ Anh vẫn điềm nhiên uống trà sau chiến dịch oanh kích Blitz của phát xít Đức vào năm 1940.

Trà đen như một đứa con tha hương đi khắp nơi trên thế giới rồi cũng quay về quê nhà. Hiện nay Vũ Di là vùng trà nổi tiếng với các dòng nham trà (trà trồng ở núi đá) và trà đen. Một thời gian dài thì trà đen ở nơi đây cũng bị khá nhiều người Trung Quốc thờ ơ vì họ chuộng trà xanh và ô long hơn, hay gần đây là cơn sốt Phổ Nhĩ. Nhưng đến năm 2005 thì Kim Tuấn Mi, một loại trà đen không hun khói ở Vũ Di ra đời, khiến nhu cầu trà đen lại nóng trở lại.

Chẳng ai biết được sau này số phận của loại trà này lại sẽ ra sao. Nhưng khi thu về thì một tách trà đen trong tiết trời lành lạnh cùng cuốn sách hay là một điều không thể tuyệt vời hơn. Và màu nước trà như lá thu ngoài kia…

3. Tác dụng của trà đen

Lưu ý: trà đen không phải là thuốc và không có tác dụng trị bênh. Bạn cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ khi có bất kỳ dấu hiệu bệnh nào. Mọi thông tin bên dưới chỉ mang tính tham khảo.

Trà đen giúp giảm cân

Một trong những khác biệt lớn nhất của trà đen với trà xanh đó là trà đen tốt cho tiêu hoá hơn. Bạn đã bao giờ nghe đến việc thực phẩm lên men rất tốt cho tiêu hoá chưa? Sự thật đúng là những sản phẩm lên men tốt cho tiêu hoá. Chẳng hạn như dưa cải, kim chi hay yogurt đều tốt cho tiêu hoá. Và trà đen cũng vậy.Xem thêm:  Lợi ích sức khỏe tuyệt vời của bạch trà

Trong một nghiên cứu từ Mỹ, các nhà khoa học đã so sánh sự khác nhau của trà xanh và trà đen khi được uống. Họ nhận thấy là các phân tử polyphenol của trà xanh nhỏ hơn. Thế nên sẽ hấp thụ nhanh hơn và tăng cường sự trao đổi chất của gan. Qua đó giúp chúng ta đốt năng lượng hiệu quả hơn và giảm cân nhanh hơn.

Vậy còn trà đen thì sao? Các phân tử polyphenol của trà đen lớn hơn nên khó hấp thụ hơn. Thế nên các polyphenol này ở lại trong ruột. Và kích thích sự phát triển của các nhóm vi khuẩn tốt cho ruột cũng như axit béo chuỗi ngắn. Qua đó cũng giúp thúc đẩy quá trình chuyển hoá năng lượng. Và giúp bạn đốt năng lượng hiệu quả hơn.

Nghiên cứu cho thấy cả trà xanh và trà đen đều có tác dụng giảm cân. Nhưng trà đen giúp giảm cân khác một chút là kích thích hệ tiêu hoá hoạt động hiệu quả hơn.

Trà đen giúp ngừa ung thư

Trong số các loại trà làm từ cây trà thì trà xanh là loại trà có khả năng ngừa ung thư tốt nhất. Thế nhưng trà đen cũng có những tác dụng ngừa ung thư của riêng mình.

Trong một nghiên cứu từ Mỹ vào năm 2006 cho thấy trà đen có khả năng ngừa một số loại ung thư. Bao gồm các loại bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư buồng chứng và ung thư phổi.

Khả năng ngừa ung thư của trà đen đến thừ thành phần theaflavin và thearubigin. Đây là các nhóm chất chống oxy hoá chỉ xuất hiện khi lá trà được ủ và lên men. Những thành phần này giúp góp phần giảm khả năng mắc các loại bệnh ung thư được nêu trên.

Trà đen giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Theo một báo cáo của VNExpress thì ở Việt Nam có đến 3.5 triệu người bị mắc bệnh tiểu đường. Tức là tương đương với 6% dân số. Và đây là căn bệnh có nguy cơ tử vong lớn thứ 3 ở nước ta.

Có một thời gian thì trà đen được nhiều người tìm uống vì nhiều người tin là loại trà này có khả năng trị bệnh tiểu đường. Đây không phải là tin đồn thổi mà có căn cứ rõ ràng.

Một nghiên cứu trên động vật vào năm 2013 cho thấy chiết xuất trà đen có khả năng giúp tăng cường bài tiết insulin ở chuột thí nghiệm. Qua đó giúp ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Trà đen tốt cho tim mạch

Trà là một trong những loại thực phẩm tốt nhất cho tim mạch. Không quan trọng là loại trà nào, chỉ cần bạn có thói quen uống trà hàng ngày thì bạn sẽ có những lợi ích nhất định cho tim mạch.

Một nghiên cứu tổng hợp đến từ Anh Quốc cho thấy thói quen uống trà đen giúp giảm nguy cơ nhiều bệnh về đường tim mạch. Các nhà nghiên cứu gợi ý để đạt hiệu quả tốt nhất thì bạn nên uống tối thiểu khoảng 3 tách trà mỗi ngày. Tương đương với khoảng 5-6g trà đen.

4. Cách pha trà đen

Khác với trà xanh thì trà đen dễ pha hơn rất nhiều. Trà đen cũng không kén nước pha như trà xanh. Thế nên bạn có thể dùng bất kỳ loại nước pha nào (nước máy hay nước đóng chai) thì cũng không ảnh hưởng lớn đến hương vị trà.

  1. Đun nước sôi bằng bếp ga hay bếp điện. Lưu ý là nếu đun nước bằng bếp ga thì phải tắt nước ngay khi nước vừa sôi. Không đun nước quá lâu.
  2. Để pha trà đen thì bạn cần phải dùng nước thật sôi. Vì chỉ nước sôi 100 độ C mới có thể tách hết các thành phần hoá học của lá trà và nước. Vì một số thành phần hoá học của trà đen có độ ái lực thấp. Cần phải dùng nước có nhiệt độ cao.
  3. Cho 5g lá trà đen vào ấm có dung tích khoảng 500ml.
  4. Cho một ít nước sôi vào ngập mặt trà. Để như vậy trong khoảng 10s thì đổ nước trà đi để tráng trà.
  5. Tiếp tục cho nước sôi vào đầy ấm. Ngâm như vậy từ 2-3 phút là bạn có thưởng thức được rồi.

Add Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Đăng ký <span> Nhận thông tin về trà </span>

Đăng ký Nhận thông tin về trà